Hiên nay toàn xã Vạn Long có 04 thôn tương ứng với 04 tổ Hòa giải ở cơ sở với tổng số dân thực tế hiện nay là 2.158 hộ - 8.642 khẩu (số liệu đến ngày 31/12/2017).
Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hoà giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hoà giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư. Những trường hợp qua nhiều lần hoà giải nhưng không đạt được sự tự nguyện thoả thuận của các bên, các tổ hoà giải đều kịp thời chuyển về Tư pháp xã để tiếp tục hoà giải hoặc tham mưu cho UBND xã giải quyết những vấn đề theo thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài ở tổ hoà giải. Trong 5 năm thực hiện luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ Hòa giải trên địa bàn xã đã tiến hành hòa giải thành 100% các vụ, việc được yêu cầu hòa giải.
Trên cơ sở những kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương thức hoà giải, trong những năm qua các hoà giải viên cơ sở đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần giải quyết các hàng nghìn tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật hoà giải ở cơ sở vẫn còn một số vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ, đó là: Luật chưa phân định rạch ròi giữa hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại UBND cấp xã nên dễ hiểu nhầm hòa giải tại UBND cấp xã (như tranh chấp đất đai) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật và thuộc trách nhiệm của tổ hòa giải nên dẫn đến đùn đẩy, kéo dài gây khó khăn cho người dân khi có yêu cầu thụ lý giải quyết.
Bên cạnh đó, luật chỉ quy định khi nhận được yêu cầu hoặc khi biết vụ việc thuộc phạm vi hòa giải thì hòa giải viên tiến hành hòa giải mà chưa quy định cụ thể thời hạn tiến hành hòa giải cho từng vụ việc cụ thể, luật cũng chưa có quy định về giới hạn số lần hòa giải không thành tối đa cho mỗi vụ việc, nếu không đạt kết quả hòa giải thành thì phải chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết nhằm tạo thuận lợi để các bên giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn.
Quá trình thực thi Luật hòa giải ở cơ sở cũng cho thấy, hiệu lực của thỏa thuận hòa giải trong hòa giải ở cơ sở chưa cao, các bên hòa giải có thể thay đổi không thực hiện theo thỏa thuận nên đã dẫn đến tình trạng hạn chế việc sử dụng phương pháp này... Tuy nhiên, vừa qua, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Triển khai quy định này, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL, ngày 5-5-2017 hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở...
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, thì một trong những vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng công tác hòa giải đó chính là kinh phí. Theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở thì kinh phí hoạt động của các tổ hòa giải do ngân sách nhà nước cấp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương chú trọng thực hiện một số giải pháp: tăng cường công tác củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên cơ sở; có chế độ bồi dưỡng thích hợp cho hòa giải viên; tổ chức sơ kết, tổng kết, tọa đàm rút kinh nghiệm về công tác hòa giải; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích./.
Bài, ảnh: Nhã Tài